10 bệnh về da ở chó phổ biến nhất: cách nhận biết, phòng ngừa và điều trị
Tóm tắt
Chó bị viêm da, rụng lông, da bong tróc và ngứa ngáy có thể đang mắc các bệnh về da. Chó bị bệnh về da thường do bị dị ứng, ký sinh trùng, nhiễm trùng da, viêm da cơ địa hoặc nấm men. Triệu chứng của bệnh về da ở chó là ngứa, đỏ da, rụng lông và mùi hôi.
1. Vì sao cần nhận biết các loại bệnh về da ở chó?
2. Triệu chứng của các vấn đề về da ở chó
3. 10 bệnh về da phổ biến nhất ở chó
3.1 Dị ứng
3.2 Ký sinh trùng
3.3 Nhiễm trùng da do vi khuẩn
3.4 Viêm da cơ địa (Hot spots)
3.5 Nhiễm nấm men
3.6 Nấm Ringworm
3.7 Da khô
3.8 Rụng lông bất thường (Alopecia)
3.9 Ung thư da
3.10 Bệnh tự miễn

Da không chỉ là lớp bảo vệ bên ngoài mà còn đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của chó. Một làn da khỏe mạnh giúp chó cảm thấy thoải mái, năng động và ít gặp các vấn đề về sức khỏe. Ngược lại, khi da bị tổn thương hoặc mắc bệnh, chó có thể bị ngứa ngáy, khó chịu, dẫn đến cào gãi liên tục, làm tình trạng da xấu đi và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Hãy cùng Truoo Pet Care tìm hiểu những căn bệnh về da ở chó phổ biến nhất và cách nhận biết, phòng ngừa và điều trị nhé.
1. Vì sao cần nhận biết các loại bệnh về da ở chó?
Việc nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường trên da chó rất quan trọng vì:
- Giúp phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe: Nhiều bệnh lý của chó, như dị ứng, nhiễm trùng hay bệnh nội tiết, có thể biểu hiện qua da. Nếu bạn nhận thấy lông xỉn màu, da khô, bong tróc hoặc có mảng đỏ, đây có thể là dấu hiệu cần được kiểm tra.
- Ngăn ngừa tình trạng nghiêm trọng hơn: Nếu không được điều trị kịp thời, các bệnh về da có thể tiến triển nặng, gây viêm loét, rụng lông diện rộng hoặc thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của chó.
- Tránh lây lan và bảo vệ những thú cưng khác: Một số bệnh ngoài da do vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng có thể lây lan giữa các thú cưng hoặc thậm chí sang con người. Nhận biết sớm giúp bạn có biện pháp cách ly và điều trị kịp thời.
- Giúp chó luôn thoải mái và vui vẻ: Chó bị ngứa ngáy hay đau rát do bệnh da thường có xu hướng cáu kỉnh, bồn chồn và mất ngủ. Chăm sóc da đúng cách giúp chó luôn thoải mái, vui vẻ và hoạt bát hơn.
Việc quan sát, kiểm tra thường xuyên và chăm sóc da đúng cách không chỉ giúp chó có bộ lông mềm mượt, bóng khỏe mà còn là cách bảo vệ sức khỏe toàn diện cho chó!
2. Triệu chứng của các vấn đề về da ở chó
Da của chó nên mềm mại và không có vảy, nốt sần hoặc đổi màu. Những con chó bị viêm da thường có các triệu chứng sau:
- Vảy hoặc bong tróc
- Đỏ da
- Rụng lông
- Đổi màu da
- Có mùi hôi
- Ngứa
- Da nhờn
- Đóng vảy cứng
- Nổi mẩn hoặc cục u
- Vết loét chảy dịch

3. 10 bệnh về da phổ biến nhất ở chó
3.1 Dị ứng
Dị ứng là một trong những vấn đề về da thường gặp ở chó. Chó có thể bị dị ứng với một số thành phần trong thức ăn như tôm, thịt cá, thịt gà, rau xanh,... hoặc các tác nhân từ môi trường như phấn hoa, cỏ, bụi và nấm mốc.
Giống với con người, chó có thể dị ứng với nhiều yếu tố cùng lúc như: vừa dị ứng với thịt gà và thịt cá. Khi tiếp xúc với chất gây dị ứng, cơ thể chó sẽ giải phóng histamine, khiến chúng ngứa ngáy khó chịu. Nếu nhận thấy chó có dấu hiệu dị ứng, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ thú y để tìm giải pháp phù hợp, chẳng hạn như sử dụng thuốc chống dị ứng hoặc hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng.
Bạn cũng có thể cho chó ăn thức ăn được làm từ protein thuỷ phân như DeFine Dog. Bởi vì thức ăn hạt được làm từ protein thuỷ phân không chỉ giúp chó dễ tiêu hoá hơn các loại thức ăn thương mại thông thường khác, mà còn giúp giảm các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa, hạn chế việc sử dụng thực phẩm chức năng, thuốc để chữa bệnh. Ngoài ra, đạm thuỷ phân còn giúp chó giảm tình trạng viêm da, rụng lông, ngứa ngáy do dị ứng thức ăn.

3.2 Ký sinh trùng
Ký sinh trùng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến chó bị bệnh về da. Những loại ký sinh trùng thường gặp nhất gồm bọ chét, ve và mạt da.
Bọ chét: Một con bọ chét có thể đẻ hàng trăm trứng chỉ trong một tháng. Nếu bạn thấy lông chó có những chấm trắng rải rác, đó là trứng của bọ chét. Bạn có thể nhận thấy bọ chét trưởng thành hoặc phân bọ chét (những chấm đen nhỏ) bám trên lông chó. Một số chó bị dị ứng nghiêm trọng với vết cắn của bọ chét, chỉ một vết cắn cũng có thể gây ngứa ngáy, rụng lông và tổn thương da do tự cào gãi.
Ve: Ve chó bám vào da chó để hút máu trong nhiều ngày và có thể truyền nhiều bệnh nguy hiểm. Kích thước trung bình của ve chó là từ 3-5mm, rất dễ nhìn bằng mắt thường. Nếu phát hiện ve trên chó, bạn cần loại bỏ ngay, đảm bảo lấy hết cả phần đầu ve để tránh nhiễm trùng.
Mạt da:
- Sarcoptes: Loại mạt này dễ lây lan giữa các con chó và thường gây ngứa dữ dội, rụng lông.
- Demodex: Thường tồn tại tự nhiên trên da chó nhưng có thể phát triển quá mức ở chó con hoặc chó có hệ miễn dịch yếu, gây rụng lông, đặc biệt quanh mắt và chân.
- Cheyletiella: Loại này trông giống như những vảy trắng nhỏ trên da chó và có thể gây ngứa.
Nếu nghi ngờ chó bị ký sinh trùng, bạn nên đưa bé đi kiểm tra để có hướng điều trị phù hợp.
3.3 Nhiễm trùng da do vi khuẩn
Nhiễm trùng da ở chó khá phổ biến và thường xảy ra khi vi khuẩn trên da phát triển quá mức, đặc biệt khi hệ miễn dịch của chó bị ảnh hưởng bởi dị ứng hoặc các bệnh lý nền. Dấu hiệu nhiễm trùng có thể bao gồm các mảng da đỏ có vảy, nốt mụn nhỏ hoặc vùng da viêm ẩm ướt. Ngoài ra, vi khuẩn từ môi trường cũng có thể xâm nhập vào da qua các vết trầy xước nhỏ, khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
Nếu chó bị nhiễm trùng da, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ thú y để sử dụng kháng sinh đường uống hoặc các loại sữa tắm đặc trị giúp làm sạch và phục hồi da cho chúng.
3.4 Viêm da cơ địa (Hot spots)
Viêm da cơ địa, hay viêm da cấp tính (Hot spots) là những vùng da đỏ, ẩm ướt và viêm nhiễm xuất hiện đột ngột khi chó liếm, cào hoặc gặm da quá mức. Nguyên nhân thường do dị ứng hoặc kích ứng da. Những vết viêm này có thể khiến chó khó chịu, đau rát và nhanh chóng lan rộng nếu không được xử lý kịp thời.
Nếu phát hiện chó bị viêm da cơ địa, bạn có thể sử dụng các sản phẩm xịt kháng khuẩn theo hướng dẫn của bác sĩ thú y để làm dịu vùng da bị tổn thương. Trong trường hợp nặng hơn, bác sĩ thú y có thể kê đơn kháng sinh và thuốc giảm ngứa để giúp chó mau lành.
3.5 Nhiễm nấm men
Nấm men trên da chó thường phát triển mạnh trong môi trường da ẩm ướt hoặc hệ miễn dịch suy yếu. Khi bị nhiễm nấm men, da chó có thể có mùi hôi đặc trưng, kèm theo tình trạng ngứa ngáy. Trong những trường hợp kéo dài, vùng da bị ảnh hưởng có thể trở nên dày hơn, sẫm màu hơn, đặc biệt ở bụng, bẹn và nách. Một số chó còn có những mảng đen quanh móng chân.
Nếu nhận thấy chó có dấu hiệu nhiễm nấm men, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ thú y để sử dụng thuốc chống nấm dạng bôi hoặc uống. Việc giữ cho da chó khô ráo và sạch sẽ cũng rất quan trọng trong quá trình điều trị.

3.6 Nấm Ringworm
Dù có tên gọi là ringworm (giun đũa da), nhưng bệnh này không phải do giun gây ra mà là do nấm. Ở chó, nấm da thường khiến lông rụng từng mảng, tạo ra vùng da có vảy và đôi khi gây ngứa. Đây là một bệnh có thể lây sang người, vì vậy bạn cần cẩn trọng khi tiếp xúc với chó mắc bệnh.
Nếu nghi ngờ chó bị nấm da, bạn nên đưa bé đi kiểm tra sớm. Bệnh có thể được điều trị bằng thuốc chống nấm dạng bôi hoặc uống theo hướng dẫn của bác sĩ thú y. Đồng thời, hãy vệ sinh sạch sẽ môi trường sống của chó để tránh nấm lây lan nhé!
3.7 Da khô
Da khô ở chó có thể đi kèm với gàu (vảy trắng li ti) và xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số chó con chưa phát triển đủ tuyến dầu để giữ cho bộ lông bóng mượt, nên tình trạng da khô có thể là điều bình thường. Ngoài ra, thời tiết hanh khô, chế độ dinh dưỡng thiếu hụt hoặc một số bệnh lý tiềm ẩn cũng có thể gây ra tình trạng này.
Để cải thiện tình trạng da khô, bạn có thể sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm dạng bôi hoặc bổ sung omega-3 qua đường uống để nuôi dưỡng làn da từ bên trong.
3.8 Rụng lông bất thường (Alopecia)
Alopecia là tình trạng rụng lông bất thường trên cơ thể chó. Khác với việc thay lông theo mùa, alopecia khiến chó rụng lông thành từng mảng và lông không mọc lại đều. Đây là kết quả của việc hệ miễn dịch của chó tấn công các nang lông, làm lông rụng hoặc không thể mọc lại. Rụng lông có thể xuất hiện dưới dạng các mảng đối xứng hoặc lan rộng trên cơ thể.
Một số chó mắc chứng Alopecia X, một bệnh di truyền phổ biến ở các giống có lớp lông dày như Phốc Sóc (Pomeranian), Chow Chow, Alaska Malamute. Bệnh này gây rụng lông nhưng không kèm viêm da. Ở chó đực, tình trạng này có thể cải thiện sau khi triệt sản, và melatonin đôi khi cũng có tác dụng hỗ trợ.
Nếu chó bị rụng lông mà không kèm dấu hiệu viêm nhiễm hoặc ký sinh trùng, bác sĩ thú y có thể đề nghị xét nghiệm máu để kiểm tra các bệnh lý nền.
3.9 Ung thư da
Ung thư da có thể dẫn đến rụng lông, đóng vảy, vết thương chảy dịch, hoặc xuất hiện cục u trên da. Một số loại ung thư dễ nhận biết qua khối u, nhưng có những loại chỉ gây ra những thay đổi rất nhỏ trên da.
Nếu phát hiện vết thương lâu lành hoặc vùng da đổi màu trên chó, bạn nên đưa bé đi kiểm tra. Bác sĩ thú y có thể thực hiện sinh thiết để chẩn đoán ung thư da. Tùy theo từng trường hợp, bệnh có thể được điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị.
3.10 Bệnh tự miễn
Bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch của chó mất khả năng phân biệt giữa kháng nguyên bên ngoài và các thành phần của chính cơ thể (tự kháng nguyên). Vì một lý do nào đó, cơ thể nhận diện các tự kháng nguyên này như tác nhân lạ và sản sinh kháng thể chống lại chúng, dẫn đến phản ứng miễn dịch bất thường và gây ra bệnh tự miễn.
Các bệnh tự miễn phổ biến ở chó gồm Pemphigus và Lupus, thường gây tổn thương đóng vảy, rụng lông dọc sống mũi và vùng mặt.
Chó mắc bệnh này thường được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, chẳng hạn như prednisone hoặc cyclosporine. Ngoài ra, hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mạnh cũng có thể giúp giảm nguy cơ bùng phát bệnh.
Tìm hiểu ngay
Các dòng thức ăn hoàn chỉnh dành cho chó và mèo của Truoo Pet Care, sản phẩm được phát triển bởi Tập đoàn Hoàng Gia De Heus Hà Lan.
About the author

Jena Thảo
Marketing Officer
Với am hiểu về dinh dưỡng và kinh nghiệm nuôi 2 chú mèo và 1 chú chó, mình muốn chia sẻ đến tất cả người nuôi thú cưng kiến thức mà mình đã đúc kết trong quãng thời gian dài làm trong ngành công nghiệp thức ăn cho chó mèo.